NGŨ THƯỜNG: Năm qui tắc học ĐẠO LÀM NGƯỜINgũ thường gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
1. Nhân: Lòng thương người mến vật.Con người thường có hai tình cảm đối ngược nhau: Hễ thương thì không ghét, mà ghét thì không thương. Như thế, muốn có lòng Nhân thì phải mở rộng lòng thương yêu để cái ghét không có chỗ chen vào. Lòng Nhân là căn bản của đạo làm người, là đầu hết các hành tàng. Giữ luôn được lòng Nhơn thì lúc nào ta cũng được an vui, hạnh phúc. 2. Nghĩa: Cư xử theo lẽ phải (đạo lý).Trong cách xử thế, cái Nghĩa là quan trọng nhứt, nó dẫn dắt con người đến đạo đức. Nghĩa phải đi liền với Nhân, có Nhơn mà không có Nghĩa thì đạo đức thiếu hình thức, còn có Nghĩa mà thiếu Nhân thì đạo đức thiếu tinh thần. 3. Lễ: Phép tắc tốt đẹp trong xử thế.Lễ là mực thước để đo lường tư tưởng, hành động trong khi xử thế. Nó thể hiện sự tôn nghiêm trật tự và hòa hợp trong ý nghĩ và việc làm. Đức Lão Tử có nói: Nếu thất Đạo thì nên theo Đức, nếu thất Đức thì nên theo Nhân, nếu thất Nhân thì nên theo Nghĩa, nếu thất Nghĩa thì nên theo Lễ. Vậy muốn trở về với Nghĩa thì phải học Lễ trước hết. 4. Trí: Năng lực hiểu biết.Nhờ có Trí mới phân biệt được sáng tối, phải quấy, thiện ác. Mục đích của Trí là tìm hiểu chơn lý, tức là Đạo, nên cần phải lo học tập để mở mang cái Trí. Khi cái Trí hiểu biết rõ ràng thì hành động mới tránh được sai lầm. 5. Tín: Tin tưởng.Lời nói phải đi đôi với việc làm. Phải giữ chữ Tín và phải quí trọng lời mình nói ra. Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy, nghĩa là: một lời nói ra, xe tứ mã khó đuổi theo kịp. Chữ Tín rất quan trọng, nó thể hiện phẩm chất đạo đức của con người mình. Nhơn vô tín bất lập, nghĩa là: người mà không có chữ Tín thì không làm nên được việc gì. Tóm lại, phần Nhân đạo của nam phái gồm hai phần trọng yếu là: Tam cang (Trung, Hiếu, Nghĩa) và Ngũ thường (Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Tất cả gồm 8 chữ, nếu làm trọn vẹn được một chữ thì đủ đạt Thần vị, như những bề tôi trung với vua, liều thân với nước, được vua phong Thần, đưa về các làng xã làm Thần Hoàng, ủng hộ dân chúng và được hưởng cúng tế; nếu làm trọn vẹn được hai chữ thì được phong Thánh, như trường hợp Quan Vân Trường thời Tam Quốc được trọn vẹn hai chữ Trung và Nghĩa, nên hiển Thánh.
|